Thành lập chi nhánh doanh nghiệp tư nhân

Thủ tục thành lập chi nhánh doanh nghiệp tư nhân có thể được thực hiện qua mạng hoặc nộp hồ sơ trực tiếp. Bạn cần chú ý lựa chọn giữa hình thức hạch toán độc lập hoặc phụ thuộc, để phù hợp nhất với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân được phép thành lập chi nhánh như những loại hình công ty khác. Chi nhánh chỉ được đăng ký những ngành nghề mà công ty mẹ hiện có, không được đăng ký ngành nghề mà công ty mẹ chưa đăng ký.

Đối với chi nhánh có đăng ký ngành ăn uống thì sẽ luôn mặc định là hạch toán độc lập, vì ngành này đăng ký hoạt động ở quận nào thì cơ quan thuế quận đó sẽ quản lý.

Khi thành lập chi nhánh cho doanh nghiệp tư nhân, bạn cũng phải thực hiện đầy đủ quy trình tương tự như thành lập công ty vậy: gồm đăng ký thành lập và đăng ký thuế cho chi nhánh. Trong bài viết này, Thuế Ánh Dương sẽ hướng dẫn bạn thực hiện thủ tục thành lập chi nhánh doanh nghiệp tư nhân trong nước (không bao gồm thành lập chi nhánh tại nước ngoài hoặc thương nhân nước ngoài muốn thành lập chi nhánh tại Việt Nam).

Thủ tục thành lập chi nhánh doanh nghiệp tư nhân

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ thành lập chi nhánh doanh nghiệp tư nhân bao gồm:

1/ Thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh (do người đại diện theo pháp luật ký, Phụ lục II-11, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);

2/ Quyết định bằng văn bản về việc thành lập chi nhánh

3/ Quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh

4/ Giấy tờ chứng thực cá nhân của người đứng đầu chi nhánh:

  • Cá nhân có quốc tịch Việt Nam: Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;
  • Cá nhân có quốc tịch nước ngoài: Giấy đăng ký tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, Giấy phép lao động và Hộ chiếu;

5/ Đối với một số ngành nghề do pháp luật quy định, bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người đứng đầu chi nhánh (hoặc của cá nhân khác thuộc chi nhánh) sẽ được yêu cầu

6/ Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục II-18, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT) đối với doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương chưa thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp để được cấp đăng ký doanh nghiệp thay thế nội dung đăng ký kinh doanh trong Giấp phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.

7/ Giầy tờ ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục (do pháp luật quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tiến hành thủ tục này).

Bước 2: Nộp hồ sơ, nhận giấy phép và đăng bố cáo thành lập chi nhánh

Nơi nộp, hình thức nộp: Nộp trực tiếp tại Sở kế hoạch và đầu tư tại nơi mở chi nhánh hoặc nộp online qua mạng. Danh sách địa chỉ phòng đăng ký kinh doanh tại các địa phương trên cả nước.

Thời gian xử lý hồ sơ: Trong vòng 03 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ tại Sở kế hoạch và đầu tư sẽ cấp GPKD chi nhánh công ty.

Nhận giấy phép: Đến Phòng đăng ký kinh doanh, nhận giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, theo giấy hẹn lúc nộp hồ sơ.

Đăng bố cáo thành lập chi nhánh: Đồng thời, để tiết kiệm thời gian đi lại, bạn thực hiện luôn bước nộp Giấy đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (Tải về Phụ lục II-25, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT) để công bố thông tin.

Lệ phí đăng bố cáo: 300.000 VND

Bước 3: Khắc dấu và thông báo mẫu dấu

Chế độ hạch toán độc lập: Chi nhánh bắt buộc phải làm mẫu dấu riêng để tự vận hành kinh doanh độc lập. Đồng thời phải tiến hành thông báo mẫu dấu với cơ quan chức năng trước khi sử dụng.

Chế độ hạch toán phụ thuộc: Đơn vị không bắt buộc làm con dấu riêng, có thể khắc hoặc không khắc dấu vì con dấu không có giá trị pháp lý. Nếu có khắc con dấu chỉ phục vụ mục đích cung cấp thông tin thông thường. Khi muốn giao dịch ký kết hợp đồng, chi nhánh này sẽ sử dụng con dấu của công ty mẹ.

Liên hệ với công ty khắc dấu để khắc dấu tròn cho chi nhánh. Chi phí khắc dấu khoảng 450.000 VND.

Sau khi có con dấu, nộp thông báo mẫu dấu theo Phụ lục II-8, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT.

Nơi nộp: Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố, nơi đặt trụ sở kinh doanh. Hoặc nộp qua mạng tại dangkyquamang.dkkd.gov.vn

Bước 4: Treo biển hiệu tại chi nhánh

Thực hiện treo biển hiệu tại chi nhánh của công ty. Không có quy định bắt buộc về kích thước biển hiệu. Bạn có thể treo biển hiệu nhỏ (20 x 30 cm, 30 x 40 cm) hoặc loại lớn hơn, tùy ý.

Bước 5: Lập tài khoản ngân hàng, mua chữ ký số

Đối với chi nhánh hạch toán phụ thuộc cùng tỉnh: Không bắt buộc có tài khoản ngân hàng và chữ ký số riêng.

Đối với chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác tỉnh: nên lập tài khoản ngân nhàng và có chữ ký số để thuận tiện trong việc giao dịch, mua bán, đóng thuế…

Đối chi nhánh hạch toán độc lập, bắt buộc phải đăng ký tài khoản ngân hàng và chữ ký số riêng cho chi nhánh.

Bước 6: Nộp thuế môn bài

Thuế môn bài cho chi nhánh là: 1.000.000 đ/năm.

a. Trường hợp hạch toán độc lâp:

Việc kê khai và nộp lệ phí môn bài được thực hiện tại tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chi nhánh.

b.Trường hợp hạch toán phụ thuộc:

  • Đối với chi nhánh cùng địa bàn ( cùng tỉnh, thành phố với công ty): việc kê khai và nộp lệ phí môn bài được thực hiện tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của công ty.
  • Đối với chi nhánh khác địa bàn ( khác tỉnh, thành phố với công ty): việc kê khai và nộp lệ phí môn bài được thực hiện tại cơ quan thuế nơi chi nhánh, đặt trụ sở

Bước 7: Khai thuế ban đầu và đăng ký sử dụng hóa đơn

Nộp hồ sơ khai thuế ban đầu cho chi nhánh, kể cả hạch toán phụ thuộc và độc lập.

Chi nhánh (bao gồm cả chi nhánh độc lập và chi nhánh phụ thuộc – cùng tỉnh và khác tỉnh) đều được tự đặt in hóa đơn để sử dụng, hoặc sử dụng chung hóa đơn với doanh nghiệp.

Mẫu hóa đơn ở chi nhánh có thể giống hoặc khác với mẫu hóa đơn của trụ sở chính của doanh nghiệp.

Trường hợp chi nhánh sử dụng chung mẫu hóa đơn với doanh nghiệp thì cần lưu ý:

  • Tên doanh nghiệp phải được in sẵn phía trên bên trái của tờ hóa đơn;
  • Chi nhánh đóng dấu hoặc ghi tên, mã số thuế, địa chỉ vào tiêu thức “tên, mã số thuế, địa chỉ chi nhánh của đơn vị bán hàng” để sử dụng.

Chậm nhất 02 ngày trước khi sử dụng hóa đơn, chi nhánh phải lập và gửi Thông báo phát hành hóa đơn, hóa đơn mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Trường hợp chi nhánh sử dụng chung mẫu hóa đơn của doanh nghiệp nhưng kê khai thuế GTGT riêng thì chi nhánh phải gửi Thông báo phát hành hóa đơn, hóa đơn mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Còn nếu doanh nghiệp kê khai thuế GTGT cho chi nhánh thì chi nhánh không phải Thông báo phát hành hóa đơn nữa.

Phân biệt chi nhánh hạch toán độc lập và phụ thuộc

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về 2 hình thức hạch toán của chi nhánh, Thuế Ánh Dương tóm tắt ngắn gọn như sau:

Chi nhánh hạch toán độc lập:

  • Có MST riêng (13 số).
  • Có con dấu riêng, Tài khoản ngân hàng riêng.
  • Sử dụng hoá đơn và Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tại Chi nhánh.
  • Trực tiếp kê khai thuế Môn bài, GTGT, TNCN và Quyết toán thuế TNDN tại Chi nhánh.
  • Có tổ chức bộ máy kế toán (mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh của Chi nhánh được ghi sổ kế toán tại Chi nhánh).
  • Tự lập và nộp Báo cáo tài chính tại chi nhánh.

Kết luận: Chi nhánh hạch toán độc lập sẽ tự làm hết mọi việc (như 1 doanh nghiệp bình thường). Công ty mẹ sẽ làm báo cáo tài chính hợp nhất.

Chi nhánh hạch toán phụ thuộc:

1/ Nếu chi nhánh cùng Tỉnh với trụ sở chính:

  • Kê khai tập trung tại trụ sở chính.

Nếu chi nhánh phụ thuộc cùng Tỉnh có con dấu riêng, có tài khoản ngân hàng riêng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ -> Thì có thể liên hệ với Chi cục thuế Chi nhánh để đăng ký kê khai thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng.

2/ Nếu là chi nhánh khác tỉnh với Trụ sở chính:

  • Có MST riêng.
  • Có con dấu riêng.
  • Sử dụng hoá đơn và Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tại Chi nhánh.
  • Kê khai thuế môn bài, thuế GTGT, TNCN tại chi nhánh.
  • Quyết toán thuế TNDN và Báo cáo tài chính tại Trụ sở chính.

Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác Tỉnh không trực tiếp bán hàng, không phải sinh doanh thu thì có thể liên hệ với Chi cục thuế chi nhánh để xác nhận và Kê khai tập trung tại trụ sở chính.

Kết luận: Chi nhánh hạch toán phụ thuộc: Sẽ chuyển số liệu, hóa đơn, chứng từ về công ty để quyết toán thuế TNDN và Báo cáo tài chính tại tại trụ sở chính.

Đây là tất cả về thủ tục thành lập chi nhánh doanh nghiệp tư nhân. Với bài viết chi tiết này, Thuế Ánh Dương mong bạn có thể hiểu rõ về quá trình thực hiện thủ tục. Nếu bạn không có nhiều thời gian, ngại đi lại, chưa có kinh nghiệm thì có thể sử dụng dịch vụ thành lập chi nhánh của Thuế Ánh Dương. Với một mức phí dịch vụ rất thấp, bạn có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian, tập trung hơn vào việc kinh doanh của công ty.

LIÊN HỆ TƯ VẤN MIỄN PHÍ: 0938.707.589 MR BẢO BÙI

Bạn nên tham khảo thêm:

Chi nhánh nên hạch toán độc lập hay phụ thuộc?

Phân biệt Chi nhánh, văn phòng đại diện và Địa điểm kinh doanh

Thủ tục thành lập chi nhánh công ty khác tỉnh

Hotline: 0777.68.68.86