Cách làm giấy phép hộ kinh doanh gia đình

Cách làm giấy phép hộ kinh doanh gia đình được thực hiện tại Ủy Ban Nhân Dân cấp quận/huyện. Thủ tục khá đơn giản. Sau 3 ngày làm việc, bạn sẽ được cấp giấy phép kinh doanh.

Hiện nay, có 2 cách làm giấy phép hộ kinh doanh gia đình như sau:

1/ Nộp trực tuyến (online): tại địa chỉ http://123.25.28.178/dkkdqh/ (chỉ áp dụng cho quận Ba Đình và quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – Xem hướng dẫn tại đây.

2/ Nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại bộ phận một cửa của UBND cấp quận/ huyện (đối với các địa phương khác)

Hình thức nộp online chưa phổ biến, vì vậy cách tốt nhất là bạn nên nộp hồ sơ giấy để được giải quyết nhanh nhất.

Cách làm giấy phép hộ kinh doanh gia đình

1/ Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ thành lập hộ kinh doanh cá thể khá đơn giản, gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Phụ lục III-1, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
  • Danh sách các cá nhân góp vốn thành lập hộ kinh doanh (Phụ lục III-2, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
  • Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình;
  • Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

Khi điền hồ sơ, bạn nên tra cứu thêm mã ngành nghề để đăng ký tại đây.

2/ Nộp hồ sơ

Nơi nộp hồ sơ: Bộ phận một cửa – cơ quan đăng ký kinh doanh (UBND) cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Lệ phí: 100.000 đ/ lần

3/ Thời hạn giải quyết

Sau 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Lưu ý về hộ kinh doanh cá thể

Bạn cần lưu ý các vấn đề sau khi làm giấy phép đăng ký kinh doanh hộ cá thể.

1/ Đối tượng đăng ký: Một người hoặc một nhóm người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Một người chỉ được đăng ký 1 hộ kinh doanh cá thể tại một địa điểm duy nhất.

2/ Tên phải đảm bảo 2 thành tố đó là: “Hộ kinh doanh + Tên riêng của hộ kinh doanh”, không được trùng tên trong phạm vi quận huyện

3/ Địa điểm kinh doanh: 1 địa điểm duy nhất, không được lập chi nhánh, địa điểm, văn phòng đại diện khác. Chung cư, địa chỉ nằm trong khu quy hoạch không được đăng ký.

4/ Ngành, nghề: không được kinh doanh ngành nghề trái pháp luật. Một số ngành đặt biệt có yêu cầu thêm như:

  • Ngành spa (cắt tóc, gội đầu, massage mặt, làm móng, trang điểm): yêu cầu phải có chỗ giữ xe.
  • Ngành bán buôn thức ăn đồ uống: yêu cầu phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (mặc dù đã được cấp giấy phép kinh doanh) mới hoạt động được.
  • Ngành dạy yoga: yêu cầu phải có chứng chỉ bằng cấp có liên quan.

Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam

5/ Vốn:

  • Pháp luật không quy định mức vốn tối thiểu. Cá nhân tự đăng ký vốn
  • Chịu trách nhiệm vô hạn: Khi có rủi ro kinh doanh, hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm trên toàn bộ tài sản có được, không phải số vốn đăng ký.
  • Nên đăng ký vốn thấp để giảm mức thuế khi cần thiết.

6/ Số lượng lao động: tối đa 9 người

7/ Kê khai thuế đơn giản phù hợp đối với các chủ thể có nhu cầu kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân, dịch vụ ăn uống…. Thuế đối với hộ kinh doanh cá thể là thuế khoán và thuế giá trị gia tăng trực tiếp, không được khấu trừ thuế đối với bạn hàng.

8/ Hóa đơn: chỉ sử dụng hóa đơn quyển hoặc hóa đơn bán lẻ từng số xin cấp tại cơ quan thuế. Không được sử dụng hóa đơn VAT.

9/ Cơ quan đăng ký và quản lý: cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh (UBND)

Thuế đối với hộ kinh doanh cá thể

Hộ kinh doanh cá thể phải nộp các loại thế sau:

1/ Thuế môn bài

  • Doanh thu dưới 100 triệu đồng/ năm: miễn thuế môn bài.
  • Doanh thu trên 100 triệu đến 300 triệu/ năm: Nộp 300.000 đồng/năm
  • Doanh thu trên 300 triệu đến 500 triệu/năm: Nộp 500.000 đồng/năm
  • Doanh thu trên 500 triệu/ năm: Nộp 1.000.000 đồng/năm

3 trường hợp khác được miễn thuế môn bài:

  • Hộ kinh doanh sản xuất muối
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định
  • Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Nếu hộ kinh doanh cá thể thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

(Nghị định 139/2016/NĐ-CP)

2/ Thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) và Thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN)

Hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu/năm trở xuống thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.

Thuế khoán: Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế là theo phương pháp khoán.

Cách tính:

  • Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
  • Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

(Tham khảo Thông tư 92/2015/TT-BTC)

3/ Hóa đơn VAT?

Hộ kinh doanh không được sử dụng hóa đơn VAT, không được khấu trừ thuế đối với bạn hàng.

Tuy nhiên, hộ kinh doanh có thể sử dụng hóa đơn quyển hoặc hóa đơn bán lẻ từng số xin cấp tại cơ quan thuế.

Trên đây là Cách làm giấy phép hộ kinh doanh gia đình. Nếu bạn chưa rõ và còn vướng mắc về các thủ tục làm giấy phép kinh doanh, vui lòng liên hệ Thuế Ánh Dương để được tư vấn miễn phí.

Hotline: 0777.68.68.86