“Có nên thành lập công ty riêng không?” là một sự khởi đầu tốt nếu bạn có một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời. Tuy nhiên, đây không phải là một câu hỏi quá khó khăn để bạn phải bận tâm ngay lúc này.
Hiện nay, việc thành lập công ty riêng rất dễ dàng. Bạn có thể hoàn thành nó trong vài ngày thôi. Hoặc bạn có thể đăng ký dịch vụ làm thay bạn, hoàn toàn không phải tốn thời gian suy nghĩ về giấy tờ, thủ tục ra sao. Thậm chí vốn cũng không phải một vấn đề quá lớn khi thành lập công ty riêng, bởi pháp luật không quy định số vốn tối thiểu và tối đa mà bạn phải đăng ký (trừ ngành nghề có yêu cầu vốn pháp định). Điều đáng quan tâm nhất khi thành lập công ty riêng là: Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để kinh doanh nó chưa?
Lợi ích khi thành lập công ty riêng
Bạn đang băn khoăn có nên thành lập công ty riêng không?
Có thể nói, thành lập công ty riêng là một bước đi vững vàng và có trách nhiệm đối với ý tưởng kinh doanh của bạn. Công ty riêng mang lại cho bạn một số lợi ích thiết thực khi bắt đầu việc kinh doanh.
1/ Được pháp luật thừa nhận và bảo vệ: khi mở công ty, bạn có thể dễ dàng mở rộng việc kinh doanh đến nhiều địa phương khác. Đây là nền tảng để bạn có thể đăng ký, phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, dịch vụ khi đến với cộng đồng. Là cơ sở để kí kết hợp đồng, mang lại sự tin tưởng cho đối tác.
2/ Quyền tự quyết định, làm chủ, điều hành và phát triển kế hoạch kinh doanh: Thành lập công ty riêng cho phép bạn toàn quyền độc lập khi kinh doanh. Khi đó, bạn hoàn toàn có thể tự làm chủ công việc kinh doanh của mình, tự chủ về thời gian, không phải lo lắng đến các mối quan hệ khác.
3/ Quyền được thuê nhân công và mở rộng kinh doanh: Khi mở công ty, bạn được phép thuê, sử dụng nhiều lao động hơn và được phép thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh ở nhiều địa phương khác nhau. Trong khi đó nếu mở hộ kinh doanh, bạn chỉ được thuê dưới 10 lao động và chỉ kinh doanh tại một địa điểm kinh doanh duy nhất.
4/ Tự chủ hơn trong việc kiểm soát hóa đơn, chứng từ: Thành lập công ty riêng cho phép bạn dễ dàng xuất hóa đơn VAT đầu ra và kiểm soát hóa đơn đầu vào hơn. Việc này đem lại sự tin tưởng cao cho khách hàng và đối tác.
5/ Thỏa mãn ước mơ và niềm đam mê kinh doanh của bạn.
Đó là một số lợi ích mang đến khi thành lập công ty riêng. Đồng thời, kèm theo đó sẽ là một số trách nhiệm đối với công ty của bạn.
Trách nhiệm khi thành lập công ty riêng
Không có một lợi ích nào mà không đi kèm với trách nhiệm. Vì vậy, khi quyết định mở công ty riêng, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thành trách nhiệm của mình.
1/ Trách nhiệm và nghĩa vụ về thuế: Công ty có nghĩa vụ báo cáo, kê khai và đóng thuế hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Bạn hoặc nhân viên của bạn phải tìm hiểu rõ những quy định, thông tư, luật pháp về kế toán – thuế để đảm bảo chế độ sổ sách, chứng từ của công ty đầy đủ và đúng pháp luật.
2/ Trách nhiệm đối với người lao động: công ty phải đảm bảo đầy đủ và đúng quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
3/ Trách nhiệm về hoạt động kinh doanh: khi bạn toàn quyền làm chủ một công ty thì hiệu quả kinh doanh là một bài toán khó mà bạn phải giải quyết. Nếu việc kinh doanh không hiệu quả, bạn sẽ gặp vấn đề về vốn trong việc chi trả các khoản chi phí để duy trì hoạt động cho công ty.
4/ Trách nhiệm đối với ý tưởng và niềm đam mê kinh doanh: thành lập công ty đồng nghĩa với bạn đang đặt hy vọng và áp lực cho bản thân để thực hiện ý tưởng đó. Bạn sẽ cảm thấy mình có gánh nặng, nhưng đồng thời đó cũng là một động lực lớn thôi thúc bạn theo đuổi lý tưởng của mình.
Chuẩn bị sẵn sàng cho bản thân trước khi mở công ty
Bạn có đam mê, bạn có ý tưởng tốt. Đó là điều kiện cần. Nhưng chưa phải là điều kiện đủ để bạn quyết định mở một công ty. Trước khi thành lập công ty riêng, bạn cần trau dồi đầy đủ kinh nghiệm và kĩ năng để có thể quản lý tốt công ty.
1/ Đánh giá bản thân: Bạn có thật sự yêu thích và am hiểu sâu sắc về ngành nghề sẽ kinh doanh hay không? Bạn có đủ tố chất của một doanh nhân và một người quản lý chưa? Bạn có thể chịu được áp lực không? Bạn có tự tin không? Bạn có khả năng quản lý tốt không? Yếu tố con người là vô cùng quan trọng đối với việc kinh doanh. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị hành tràng cho mình thật kĩ lưỡng trước khi bắt đầu nhé.
2/ Đánh giá ý tưởng kinh doanh: Một ý tưởng kinh doanh tốt cần phải được khảo sát, đánh giá từ nhiều mặt. Bạn có chắc ý tưởng kinh doanh của bạn là tốt chưa? Hãy đánh giá thêm về tính khả thi, khả năng chấp nhận của thị trường, đối thủ cạnh tranh, đầu ra cho sản phẩm/ dịch vụ, giá cả và dịch vụ đi kèm…. để có cái nhìn khách quan và chính xác hơn bạn nhé.
3/ Khả năng về vốn: Mở công ty có thể không cần nhiều vốn. Nhưng trong những ngày đầu, bạn có thể phải tốn khá nhiều chi phí để đầu tư và duy trì việc kinh doanh. Bạn có thể kêu gọi thêm đầu tư để tránh sự thiếu hụt về vốn trong giai đoạn đầu này. Cố gắng tung sản phẩm/ dịch vụ (đã nghiên cứu tốt) ra thị trường thật nhanh để giành lợi thế.
4/ Am hiểu về pháp lý: Bạn có thể thuê nhân viên hoặc cố vấn pháp lý cho công ty. Tuy nhiên, bạn cũng phải am hiểu đôi chút về những quy định pháp luật để tránh sai phạm.
Chuẩn bị thủ tục thành lập công ty riêng
Như đã đề cập ở trên, thành lập công ty hiện nay rất đơn giản đối với đa số ngành nghề. Trường hợp ngành nghề có điều kiện, thì bạn cần tham khảo kĩ lưỡng hơn về yêu cầu và giấy phép của ngành nghề đó.
Để thực hiện thủ tục công ty, bạn chỉ cần chuẩn bị những yêu cầu đơn giản sau:
1/ Bản sao y giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác.
2/ Địa chỉ đặt trụ sở kinh doanh
3/ Xác định ngành nghề kinh doanh
4/ Ý tưởng về tên công ty
5/ Vốn điều lệ công ty (góp vốn đầy đủ trong 90 ngày kể từ ngày thành lập công ty)
Thủ tục thành lập công ty hiện nay rất đơn giản, chỉ trong 3 ngày là đã có giấy phép kinh doanh rồi. Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng về thủ tục, mà hãy chuẩn bị đầy đủ kinh nghiệm và kiến thức cho bản thân trước nhé.
Trên đây là những gợi ý cho bạn về việc: “Có nên thành lập công ty riêng không?”. Hy vọng bạn đã cân nhắc kĩ và có câu trả lời cho bản thân. Ngoài ra, nếu bạn thấy chưa sẵn sàng lắm, bạn có thể xem thêm về loại hình Hộ kinh doanh ở bài viết bên dưới nữa nhé. Nếu bạn có thắc mắc gì thêm, đừng ngần ngại gọi cho Thuế Ánh Dương để được tư vấn miễn phí.
Tham khảo thêm:
Thành lập công ty hay hộ kinh doanh cá thể?
Đối tượng không được thành lập doanh nghiệp
Chí Phí thành lập và hoạt động tối thiểu doanh nghiệp
Những điều cần biết khi thành lập công ty